DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ VỚI NHỮNG THAY ĐỔI LỚN TRONG CÔNG NGHỆ LƯU TRỮ DỮ LIỆU
Samira Kabbour
CMO
Mục lục
Dave Donald, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Keeper Technology, sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn về một số đột phá lớn nhất mà chúng ta sẽ thấy hoặc tiếp tục thấy đang làm rung chuyển ngành công nghiệp lưu trữ vào năm 2019, bao gồm: SDS, NVMe, kiến trúc siêu hội tụ, điện toán cạnh, và kiến trúc lưu trữ di động. Tại Keeper Technology, Dave chịu trách nhiệm xác định tầm nhìn chiến lược và lãnh đạo tất cả các chiến lược tiếp thị của công ty. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc đưa ra câu trả lời cho các thách thức lớn nhất của lưu trữ doanh nghiệp và xây dựng các nhóm làm việc hiệu suất cao tại các công ty lưu trữ và phần mềm sáng tạo. Dave có bằng Cử nhân Khoa học về Kỹ thuật Điện và Máy tính của Đại học Colorado.
Công nghệ tốt là biểu hiện cho sự tiến hóa còn công nghệ tuyệt vời đem đến một cuộc cách mạng. Trong hai thứ chỉ có cái thứ hai là đột phá. Một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến sự đột phá trong cơ sở hạ tầng CNTT là sự phát triển của dữ liệu và công nghệ lưu trữ dữ liệu được thúc đẩy bởi các sáng kiến liên quan đến big data, Internet of Things (IoT) và phân tích dữ liệu.
Ngày nay, các doanh nghiệp đang tạo ra và lưu trữ một khối lượng big data lớn hơn bao giờ hết. Xu hướng này hiện không có dấu hiệu sẽ chậm lại và sự gia tăng này đang thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng cơ sở hạ tầng của mình, đặc biệt là những phần liên quan đến lưu trữ dữ liệu. Áp lực thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ ngày càng tăng và có vẻ như toàn bộ hệ sinh thái đang trong trạng thái chuyển mình.
Các doanh nghiệp bắt đầu hiểu ra rằng họ cần khai thác sức mạnh của dữ liệu để duy trì tính cạnh tranh. Để hỗ trợ chiến lược kỹ thuật số của mình, các công ty đang lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào phần cứng lưu trữ trong trung tâm dữ liệu, lưu trữ nhiều dữ liệu hơn trên đám mây và tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới đột phá.
Trước những sự kiện này, sự đột phá chỉ liên quan đến việc áp dụng sớm các dịch vụ lưu trữ được xác định bằng phần mềm (Software Defined Storage – SDS). Những người chơi mới trong SDS đang thách thức các các thương hiệu lâu đời. Các công ty thống trị thị trường bắt đầu nhận ra các giải pháp hiện tại của họ mới chỉ đáp ứng một định nghĩa rất mơ hồ về SDS, bất chấp những nỗ lực tích cực của họ trong việc tiếp thị chúng như một thứ gì đó có ý nghĩa hơn so với trước đây.
Về mặt này, định nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ, theo một định nghĩa truyền thống, SDS bao gồm phần cứng ở dạng các máy chủ gắn liền với mạng. Điều này khác biệt đáng kể so với các kiến trúc độc quyền của các nhà cung cấp “Big Iron”. (Thuật ngữ “Big Iron” dùng để chỉ các hệ thống máy tính, máy chủ siêu lớn và cực kỳ đắt tiền có khả năng hỗ trợ hàng nghìn người dùng cùng một lúc được đặt trong những giá đỡ thép đàn hồi)
Bối cảnh là chìa khóa để hiểu về sự đột phá bởi vì ngày càng có nhiều thay đổi trong điện toán và ứng dụng. Lý do rất đơn giản: Hệ thống lưu trữ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về bảo mật, tuân thủ và nhất quán. Mặt khác, những mặt hàng phù du khác như bộ xử lý và bộ nhớ đã nâng cao tầm quan trọng của việc lưu trữ.
Xem xét các yếu tố này, Dave tin rằng một số tác nhân đột phá lớn nhất mà chúng ta sẽ thấy, hoặc tiếp tục thấy, làm rung chuyển ngành công nghiệp lưu trữ vào năm 2019 là:
1 – Lưu trữ được xác định bằng phần mềm (SDS)
SDS sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn nhờ khả năng tối đa hóa hiệu suất và công suất với thời gian chết bằng không. SDS cũng phù hợp với các chiến lược liên quan đến lưu trữ đám mây của doanh nghiệp.
Hiệu quả là dấu hiệu khởi đầu của sự đột phá. Bảo mật tốt hơn không đến nhanh như vậy vì nó phức tạp và thường có tác động tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng cuối. Tuy nhiên sẽ không gì có thể làm giảm tiến độ SDS đã đạt được trong lĩnh vực này.
Các công ty có thể áp dụng chiến lược mở rộng quy mô theo khả năng, trong đó, họ mua một số lượng nhỏ máy chủ mới mạnh hơn, hoặc họ có thể chọn cách tiếp cận mở rộng theo số lượng, sử dụng một số lượng lớn phần cứng kém mạnh mẽ hơn, và dĩ nhiên ít tốn kém hơn, cho phép phân cụm và dự phòng. Phân cụm được xây dựng trên phần cứng tiêu chuẩn cho phép sao chép dữ liệu giữa một khoảng cách rất dài. Ví dụ, nếu trung tâm dữ liệu chính bị lỗi, các dịch vụ sẽ tự động chuyển sang trung tâm dữ liệu hoạt động.
2 – Lưu trữ dựa trên bộ nhớ không biến động (Non-Volatile Memory Express -NVMe)
NVMe có tiếng vang lớn về tiềm năng tuyệt vời của nó đối với hiệu suất nhưng hiệu quả chi phí của NVMe vẫn là một thách thức.
NVMe là phương tiện lưu trữ không biến động được gắn qua PCI Express (PCIe), một dạng giao diện hệ thống phụ chuyển dữ liệu giữa các thành phần bên trong máy tính/card mở rộng của máy tính. Mặc dù PCIe có trước NVMe vài năm, các giao thức truyền dữ liệu cũ hơn như SATA, AHCI và SCSI, đã được tạo ra khi ổ cứng là đỉnh cao của công nghệ lưu trữ. NVMe cung cấp các lệnh có độ trễ thấp và nhiều hàng đợi, cấu trúc dữ liệu dùng để chứa các đối tượng làm việc theo cơ chế “vào trước ra trước”. Những lợi thế này rất quan trọng vì dữ liệu được chuyển sang SSD trong chip và khối.
NVMe cũng là lựa chọn lý tưởng cho các công nghệ lưu trữ flash nhanh nhất vì nó cung cấp hàng ngàn hàng đợi song song. Đó là một sự gia tăng theo cấp số nhân về hiệu suất.
Với hiệu năng tốt hơn tới 6 lần so với các ổ SSD cổ điển, các ổ NVMe là chuẩn mực mới của lưu trữ nhanh.
3 – Siêu hội tụ
Kiến trúc siêu hội tụ cũng là một đột phá. Chúng đặt bộ nhớ nhanh gần CPU để tăng hiệu suất. Khi các cụm máy tính phát triển, nhu cầu thêm bộ nhớ vượt xa nhu cầu thêm CPU, đòi hỏi phải đưa chiến lược phân chia dữ liệu vào kiến trúc.
Kiến trúc tích hợp NVMe là lý tưởng cho các môi trường siêu hội tụ. Các môi trường này có hoạt động dữ liệu với cường độ lớn, các ứng dụng hiệu suất cao và đáp ứng những yêu cầu hiệu suất vượt trội khác. Các kết nối NVMe cũng có thể giảm bớt những thách thức liên quan đến các vấn đề về vị trí dữ liệu. Giải quyết các mối quan tâm về độ trễ sẽ mở rộng việc sử dụng các môi trường siêu hội tụ sang tập dữ liệu làm việc lớn hơn, đây sẽ là điểm thu hút lớn đối với các doanh nghiệp lớn.
4 – Điện toán cạnh
Điện toán cạnh là yếu tố thứ tư sẽ có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc điện toán, phân phối và lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một tầm nhìn rõ ràng về những gì nên được lưu trữ ở cạnh và những gì nên được chuyển tiếp đến một hệ thống lưu trữ trung tâm hơn.
IoT là chất xúc tác đằng sau điện toán cạnh mặc dù hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn định dạng dữ liệu cũng như nơi nào cần phải có bảo mật.
IoT và điện toán cạnh phải tiếp tục tiêu chuẩn hóa dữ liệu trên các thiết bị. Các công ty như Apple, Google và Amazon đang theo đuổi mục tiêu này trong các hệ sinh thái của họ.
5 – Kiến trúc lưu trữ di động
Kiến trúc lưu trữ di động có thể cung cấp một sự thay thế hiệu quả về chi phí cho lưu trữ flash. Ở phạm vi hẹp hơn, hoặc có lẽ đối với các ngành cụ thể cần lưu trữ và vận chuyển một lượng lớn dữ liệu được mã hóa nhanh chóng, các kiến trúc lưu trữ di động sẽ cực kỳ đột phá. Trên thực tế, chúng có thể phá vỡ toàn bộ hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, đặc biệt là trong các môi trường nơi mật độ lưu trữ, hiệu suất cao và tính di động là tối quan trọng.
Về mặt lợi ích, sự đột phá làm tăng hiệu suất và giảm chi phí. Những người chơi thành công nhất sẽ là những người đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng. Điều đó có nghĩa là họ sẽ xác định được nhu cầu trước khi khách hàng biết họ cần gì.
Mức độ đột phá có thể khác nhau và nó sẽ thay đổi nhưng sự kiện này sẽ ấn tượng và có sức ảnh hưởng lớn đến mức bạn không thể bỏ qua. Nó sẽ được đo lường bằng hiệu suất được tăng cao và chi phí thấp hơn. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận thấy những lợi ích này và đó là một bằng chứng thuyết phục theo đúng nghĩa của nó.